tR

 Mục lục nội dung

I. Lý thuyết về từ loại

1. Danh từ

a. Khái niệm

Danh từ (DT ): DT là những từ chỉ sự vật ( người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị )

Ví dụ:

+ Người: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em,…

+ Vật: biển, núi, trời, mây,…

+ Hiện tượng: mưa, gió, bão,…

+ Khái niệm: hạnh phúc, cuộc sống,..

+ Đơn vị: cân, cơn, dặm,…

b. Phân loại

Khi phân loại DT tiếng Việt, trước hết , người ta phân chia thành 2 loại : DT riêng và DT chung .

* Danh từ riêng : là tên riêng của một sự vật ( tên người, tên địa phương, tên địa danh,.. )

* Danh từ chung : là tên của một loại sự vật (dùng để gọi chung cho một loại sự vật) . DT chung có thể chia thành 2 loại :

- DT cụ thể : là DT chỉ sự vật mà ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan (sách, vở, gió ,mưa,...).

- DT trừu tượng : là các DT chỉ sự vật mà ta không cảm nhận được bằng các giác quan ( cách mạng, tinh thần, ý nghĩa,... ) Các DT chỉ hiện tượng, chỉ khái niệm, chỉ đơn vị được giảng dạy trong chương trình SGK lớp 4 chính là các loại nhỏ của DT chung.

+ DT chỉ hiện tượng: Có hiện tượng tự nhiên như : mưa , nắng, sấm, chớp, động đất,... và hiện tượng xã hội như : chiến tranh, đói nghèo, áp bức,...DT chỉ hiện tượng là DT biểu thị các hiện tượng tự nhiên ( cơn mưa, ánh nắng, tia chớp,...) và hiện tượng xã hội (cuộc chiến tranh, sự đói nghèo,...) nói trên.

[CHUẨN NHẤT] Bài tập về từ loại lớp 4 có đáp án

Cơn mưa là danh từ chỉ hiện tượng

+ DT chỉ khái niệm: Chính là loại DT có ý nghĩa trừu tượng ( DT trừu tượng- đã nêu ở trên). Đây là loại DT không chỉ vật thể, các chất liệu hay các đơn vị sự vật cụ thể ,mà biểu thị các khái niệm trừu tượng như : tư tưởng, đạo đức, khả năng, tính nết, thói quen, quan hệ, thái độ,cuộc sống, ý thức , tinh thần, mục đích, phương châm,chủ trương, biện pháp, ý kiến, cảm tưởng, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình bạn,...Các khái niệm này chỉ tồn tại trong nhận thức, trong ý thức của con người, không “vật chất hoá”, cụ thể hoá được. Nói cách khác, các khái niệm này không có hình thù, không cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan như mắt nhìn, tai nghe,...

 + DT chỉ đơn vị: Hiểu theo nghĩa rộng, DT chỉ đơn vị là những từ chỉ đơn vị các sự vật. Căn cứ vào đặc trưng ngữ nghĩa, vào phạm vi sử dụng, có thể chia DT chỉ đơn vị thành các loại nhỏ như sau :

→ DT chỉ đơn vị tự nhiên: Các DT này chỉ rõ loại sự vật, nên còn được gọi là DT chỉ loại. Đó là các từ : con, cái , chiếc; cục, mẩu, miếng; ngôi, tấm , bức; tờ, quyển, cây, hạt, giọt, hòn ,sợi,...

→ DT chỉ đơn vị đo lường : Các DT này dùng để tính đếm, đo đếm các sự vật, vật liệu, chất liệu,...VD : lạng, cân, yến, tạ, mét thước, lít sải, gang,...

→ DT chỉ đơn vị tập thể : Dùng để tính đếm các sự vật tồn tại dưới dạng tập thể , tổ hợp. Đó là các từ :bộ, đôi, cặp, bọn, tụi, đàn,dãy, bó,...

→ DT chỉ đơn vị thời gian: Các từ như: giây, phút , giờ, tuần, tháng,mùa vụ, buổi,...

→ DT chỉ đơn vị hành chính, tổ chức: xóm, thôn, xã, huyện, nước,nhóm, tổ, lớp , trường,tiểu đội, ban, ngành,...

2. Động từ

- Là những từ chỉ hoạt động, trạng thái hay quá trình của sự vật, hiện tượng.

+ Động từ chỉ hoạt động: ăn, uống, chạy, đi, nghiên cứu, tìm hiểu,...

+ Động từ chỉ trạng thái: thức, ngủ, sống, chết, vui, buồn,...

+ Động từ chỉ quá trình: chảy, mọc, gãy, bắt đầu, kết thúc,...

- Động từ kết hợp được với các từ đã, đang, sẽ, hãy, đừng, chớ,...

VD: đang làm, đừng đi, chớ nghe,…

- Động từ thường giữ chức vụ vị ngữ, trong câu, nhưng một số trường hợp động từ giữ chức vụ chủ ngữ, trạng ngữ trong câu.

VD1: Cô giáo đang giảng bài. (động từ "Giảng" giữ chức vụ vị ngữ trong câu)

VD2: Học quả là khó khăn, gian khổ. (động từ "học" giữ chức vụ chủ ngữ trong câu)

VD3: Khi đã bình tĩnh lại, chị mới nhìn khắp mấy gian nhà.(động từ "bình tĩnh" giữ chức vụ trạng ngữ; động từ "nhìn" giữ chức vụ vị ngữ trong câu.)

3. Tính từ (TT) 

TT là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của vật, hoạt động, trạng thái,... Có những từ vừa có thể coi là tính từ, vừa có thể coi là động từ như từ “ăn cướp” trong “hành động ăn cướp”; hoặc từ ấy vừa là tính từ vừa là danh từ như từ “thành thị” trong “lối sống thành thị”.

Có 2 loại TT là:

- TT chỉ tính chất chung không có mức độ (xanh, tím, sâu, vắng,...)

- TT chỉ tính chất có xác định mức độ ( mức độ cao nhất ) (xanh lè, tím ngắt, sâu hoắm, vắng tanh,...)


II. Cách phân biệt các từ loại

Để phân biệt các DT, ĐT,TT dễ lẫn lộn, ta thường dùng các phép liên kết (kết hợp) với các phụ từ.

a) Danh từ

- Có khả năng kết hợp với các từ chỉ số lượng như: mọi, một, hai, ba, những, các,... ở phía trước (những tình cảm, những khái niệm, những lúc, những nỗi đau,...)

 - DT kết hợp được với các từ chỉ định : này, kia, ấy, nọ ,đó,... ở phía sau (hôm ấy, trận đấu này, tư tưởng đó,...)

- DT có khả năng tạo câu hỏi với từ nghi vấn “ nào” đi sau (lợi ích nào ? chỗ nào? khi nào?...)

 - Các ĐT và TT đi kèm : sự, cuộc, nỗi, niềm, cái,... ở phía trước thì tạo thành một DT mới ( sự hi sinh, cuộc đấu tranh, nỗi nhớ, niềm vui,...)

 - Chức năng ngữ pháp thay đổi cũng cũng dẫn đến sự thay đổi về thể loại:

V.D: Sạch sẽ là mẹ sức khoẻ. (sạch sẽ (TT) đã trở thành DT)

Bài tập về từ loại lớp 4 có đáp án

b) Động từ

 - Có khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh : hãy , đừng , chớ,... ở phía trước ( hãy nhớ, đừng băn khoăn, chớ hồi hộp,...)

- Có thể tạo câu hỏi bằng cách đặt sau chúng từ bao giờ hoặc bao lâu (TT không có khả năng này ) (đến bao giờ? chờ bao lâu?...)

c) Tính từ

- Có khả năng kết hợp được với các từ chỉ mức độ như: rất , hơi, lắm, quá, cực kì, vô cùng,... (rất tốt, đẹp lắm,...)

* Lưu ý : Các ĐT chỉ cảm xúc ( trạng thái ) như: yêu, ghét, xúc động,... cũng kết hợp được với các từ :rất, hơi, lắm,.... Vì vậy,khi còn băn khoăn một từ nào đó là ĐT hay TT thì nên cho thử kết hợp với hãy, đừng , chớ,...Nếu kết hợp được thì đó là ĐT.


III. Bài tập về từ loại lớp 4 có đáp án


1. Bài tập về danh từ lớp 4

Bài 1: Cho đoạn thơ sau:

Mặt trời rúc bụi tre
Buổi chiều về nghe mát
Bò ra sông uống nước
Thấy bóng mình, ngỡ ai
Bò chào: - “Kìa anh bạn!
Lại gặp anh ở đây!”

(trích Chú bò tìm bạn)

a. Em hãy tìm các danh từ có trong khổ thơ trên. Đặt câu có chủ ngữ là một trong các danh từ vừa tìm được.

b. Em hãy tìm các động từ có trong khổ thơ trên. Đặt câu có vị ngữ chính là một trong các động từ vừa tìm được.

Đáp án

Từ

 

Đặt câu

Danh từ

mặt trời, buổi chiều, sông, bụi tre, bóng, anh bạn, nước
  • Ông mặt trời đủng đỉnh nhô lên từ dưới biển xa.
  • Dòng sông lóng lánh dưới ánh trăng vàng.

Động từ

rúc, về, ra, uống, chào, gặp
  • Con trâu rúc vào bụi tre.
  • Chú mèo uống nước rất nhanh.

Bài 2: Cho các danh từ sau: tím, đỏ, xanh, vàng. Hãy bổ sung thêm tiếng ở trước hoặc ở sau danh từ đã cho để tạo thành các tính từ.

Đáp án

Gợi ý:

  • tím: tím biếc, màu tím, tím sẫm, tím nhạt, tim tím, tím mộng mơ...
  • đỏ: đỏ đậm, đỏ sẫm, đỏ đô, đo đỏ, màu đỏ, đỏ gắt, đỏ tía...
  • xanh: xanh lam, xanh lá, xanh sẫm, xanh nhạt, xanh non...
  • vàng: vàng chanh, vàng sẫm, vàng cháy, vàng ruộm, vàng ươm...

Bài 3: Cho các từ sau:

Bác sĩ, nhân dân, hi vọng, thước kẻ, sấm, văn học, cái, thợ mỏ, mơ ước, xe máy, sóng thần, , chiếc, bàn ghế, gió mùa, xã, huyện, phấn khởi, tự hào, mong muốn, truyền thống, hoà bình.

a) Xếp các từ trên vào 2 loại : DT và không phải DT

b) Xếp các DT tìm được vào các nhóm : DT chỉ người, DT chỉ vật,  DT chỉ hiện tượng, DT chỉ khái niệm, DT chỉ đơn vị.

Đáp án

a) - Không phải DT: phấn khởi, tự hào, mong muốn.

b)

- DT chỉ hiện tượng : sấm , sóng thần, gió mùa.

- DT chỉ khái niệm : văn học, hoà bình , truyền thống.

- DT chỉ đơn vị : cái , xã, huyện.

Bài 4: Cho đoạn văn sau:

Nơi đây cất lên những tiếng chim ríu rít. Chúng từ các nơi trên miền Trường Sơn bay về. Chim đại bàng chân vàng mỏ đỏ đang chao lượn, bóng che rợp mặt đất. Mỗi lần đại bàng vỗ cánh lại phát ra những tiếng vi vu vi vút từ trên nền trời xanh thẳm, giống như có hàng trăm chiếc đàn đang cùng hoà âm. Bầy thiên nga trắng muốt chen nhau bơi lội…

(trích Chim rừng Tây Nguyên)

a. Tìm những danh từ, động từ, tính từ có trong đoạn văn trên.

b. Phân loại các danh từ tìm được thành hai nhóm: danh từ chung, danh từ riêng.

c. Đặt câu ghép với một trong các tính từ đã tìm được.

Đáp án

a)

Danh từ: chim, miền Trường Sơn, chim đại bàng, chân, mỏ, mặt đất, cánh, nền trời, chiếc đàn

- Động từ: cất lên, bay, chao lượn, vỗ, hòa âm

- Tính từ: ríu rít, vàng, đỏ, vi vu vi vút , xanh thẳm

b) Danh từ chung: chim, chim đại bàng, chân, mỏ, mặt đất, cánh, nền trời, chiếc đàn

Danh từ riêng: Trường Sơn

Bài 5: Em hãy tìm các danh từ thuộc các trường từ vựng sau:

a. Thời gian

b. Cây cối

c. Đồ dùng học tập

Đáp án

a. Thời gian: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, bình minh, hoàng hôn, đêm khuya, chiều muộn...

b. Cây cối: cây bàng, cây phượng, cây sấu, cây me, cây chuối, cây đào, cây mận...

c. Đồ dùng học tập: bút máy, thước kẻ, quyển sổ, sách giáo khoa, tập vở, bút chì, giấy nhớ...

Bài 6: Cho các từ sau:

mùa xuân, chim én, hoa mai, thư viện, công viên, bác sĩ

1. Các từ trên thuộc nhóm từ loại nào? Tìm thêm ba từ thuộc từ loại đó.

2. Đặt câu với ba từ vừa tìm được.

3. Phân tích cấu tạo của ba câu vừa đặt.

Đáp án

1. Các từ trên thuộc danh từ. 

Tìm thêm: trường học, cái bát, cầu thang.

2. - Trường học: Nhà tôi rất xa trường học.

- Cái bát: Cái bát nhà tôi đã bị sứt mẻ.

- Cầu thang: Cái cầu thang này rất chắc chắn.

3. - Nhà tôi rất xa trường học.

         CN             VN

Cái bát nhà tôi đã bị sứt mẻ.

         CN                    VN

Cái cầu thang này rất chắc chắn.

            CN                      VN

Bài 7: Đọc đoạn văn sau và xác định các danh từ có xuất hiện trong đoạn văn

Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

Đáp án

Các danh từ: thuyền, kênh bọ mắt, sông Cửa Lớn, Năm Căn, dòng sông Năm Căn, nước, biển, thác, cá nước, người, ếch, đầu sóng

Bài 8: Cho đoạn thơ sau:

Hàng chuối lên xanh mướt
Phi lao reo trập trùng
Vài ngôi nhà đỏ ngói
In bóng xuống dòng sông

Các từ được in đậm trong đoạn thơ trên thuộc từ loại nào? Em hãy đặt câu với một trong các từ in đậm trên.

Đáp án

- Các từ in đậm thuộc danh từ

- Đặt câu:

+ Vườn nhà em có hàng chuối xanh mơn mởn.

+ Hàng phi lao thẳng tắp

Bài 9: Xác định các danh từ trong đoạn văn sau:

Bản làng đã thức giấc. Đó đây ánh lửa hồng bập bùng trên các bếp. Ngoài bờ ruộng đã có bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm tiếng gọi nhau í ới.

Bài 10: Tìm danh từ có trong câu văn sau:

Ngay thềm lăng, mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một đoàn quân danh dự đứng trang nghiêm.


2. Bài tập về động từ lớp 4

Bài 1: Đọc kĩ đoạn văn và trả lời các câu hỏi:

Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Son Tinh vẫn vững vàng mà sức Thuỷ Tinh đã kiệt. Thần Nước đành rút quân…

(Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)

a) Tìm những động từ chỉ hành động của Sơn Tinh trong đoạn văn.

b) Những động từ ấy giúp em cảm nhận được vẻ đẹp nào của thần núi Tản?

Đáp án:

a) Từ mượn trong đoạn văn: cầu hôn, Tản Viên, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, tài năng.

b) HS tự xác định các danh từ và phân loại. Trong đoạn văn các danh từ chia làm hai loại:

– Danh từ đơn vị: dãy.

– Danh từ chỉ sự vật:

+ danh từ chung: chàng trai, người, vùng, núi, tây, phía đông, cồn bãi, miền, biển, gió, mưa,…

+ danh từ riêng : Tản Viên, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.

Bài 2: Các từ gạch chân trong từng câu dưới đây  bổ sung ý nghĩa gì cho ĐT đứng trước nó:

a) Tuy rét vẫn kéo dài nhưng mùa xuân đã đến.

b) Những cành cây đang trổ lá, lại sắp buông toả những tán hoa.

Đáp án

- vẫn: bổ sung ý nghĩa tiếp diễn.

- đã: bổ sung ý nghĩa thời gian ( quá khứ )

- đang: bổ sung ý nghĩa thời gian ( hiện tại )

- sắp: bổ sung ý nghĩa thời gian 9 tương lai ).

Bài 3: Xác định từ loại của các từ trong các thành ngữ:

- Đi ngược về xuôi.

- Nhìn xa trông rộng.

- Nước chảy bèo trôi.

Đáp án

- DT:  nước, bèo.

- ĐT: đi , về, nhìn, trông.

- TT: ngược, xuôi, xa, rộng.

Bài 4: Tìm chỗ sai trong các câu sau và sửa lại cho đúng :

a) Bạn Vân đang nấu cơm nước.

b) Bác nông dân đang cày ruộng.

c) Mẹ cháu vừa đi chợ búa.

d) Em có một người bạn bè rất thân.

Đáp án

Các từ cơm nước, ruộng nương, chợ búa, bạn bè đều có nghĩa khái quát, không kết hợp được với ĐT mang nghĩa cụ thể hoặc với từ chỉ số ít ở trước.

Cách sửa : Bỏ tiếng đứng sau của mỗi từ ( nước, nương, búa, bè )

Bài 5: Xác định loại từ của những từ được in đậm trong các câu sau

1. Cô ấy rất thích của ngọt.

2. Đây là chiếc xe của vợ tôi.

3. Tôi sẽ giúp cậu ấy nên người.

4. Anh nên học hành chăm chỉ hơn.

5. Con hư nên mẹ buồn lắm.

6. Nó vừa cho tôi một cái cặp sách

Đáp án: 

1. Của là danh từ. Căn cứ xác định: Dựa vào ý nghĩa ngữ pháp khái quát: Từ của chỉ sự vật (cái ăn, có một đặc tính nào đó).

2. Của là quan hệ từ. Từ của dùng để nối chiếc xe và vợ tôi, chỉ quan hệ sở hữu

3. Nên là động từ,(thường dùng trước danh từ) với nghĩa thành ra được.

4. Nên là động từ, (thường dùng trước một động từ khác), thuộc nhóm động từ tình thái chỉ sự cần thiết, biểu thị ý khuyên nhủ: điều đang nói đến là hay, thực hiện được thì tốt hơn.

5. Nên là quan hệ từ, dùng để nối, chỉ quan hệ nguyên nhân – kết quả.

6. Cho là động từ, với nghĩa chuyển cái thuộc sở hữu của mình sang người khác mà không đổi lấy gì cả. Từ này thuộc nhóm các động từ trao nhận (cùng với biếu, tặng…)

Bài 6: Cho các từ sau:

ghi chép, nhảy múa, bay lượn, đánh răng, giặt giũ

1. Các từ trên thuộc nhóm từ loại nào? Tìm thêm ba từ thuộc từ loại đó.

2. Chọn một từ trong các từ cho sẵn rồi đặt câu với một cặp quan hệ từ.

3. Phân tích cấu tạo câu vừa đặt

Bài 7: Viết tiếp vào chỗ trống để hoàn thành câu, yêu cầu có sử dụng ít nhất 1 động từ

1. Vì trời mưa to nên ……………………………………………………………………………

2. Nếu hôm qua không thức khuya đọc truyện thì ……………………………….

3. Do mùa đông năm nay đế sớm nên …………………………………………………

Bài 8: Tìm ba động từ chỉ hoạt động của học sinh trong giờ thể dục. Chọn một trong các từ vừa tìm được rồi đặt câu.

Bài 9: Gạch dưới động từ trong mỗi cụm từ sau:

  • trông em
  • quét nhà
  • xem truyện
  • tưới rau
  • học bài
  • gấp quần áo
  • nấu cơm
  • làm bài tập

Bài 10: Xác định từ loại:

  • Nhìn xa trông rộng
  • Nước chảy bèo trôi
  • Phận hẩm duyên ôi
  • Vụng chèo khéo chống
  • Gạn đục khơi trong
  • Ăn vóc học hay


3. Bài tập về tính từ lớp 4

Bài 1: Cho đoạn thơ sau:

Những lời cô giáo giảng

Ấm trang vở thơm tho

Yêu thương em ngắm mãi

Những điểm mười cô cho.

(trích Cô giáo lớp em)

a. Em hãy tìm các tính từ có trong đoạn thơ trên.

b. Đặt câu ghép với các tính từ vừa tìm được.

Đáp án

a. Tính từ: ấm; thơm tho

b. Đặt câu: Chiếc áo mẹ vừa giặt cho em thật là thơm tho.

Bài 2: Điền các tính từ thích hợp vào chỗ trống:

a. Những ngôi sao ………………… trên bầu trời đêm rộng lớn.

b. Cơn gió …………………. thổi qua khu vườn rồi đem vào căn phòng một mùi hương man mát.

c. Chú chó …………….. đang giúp cô chủ của mình trông giữ bầy gà phía trước sân.

Đáp án

a. lấp lánh

b. Nhè nhẹ
c. Xinh xắn

Bài 3: Đọc kĩ đoạn văn và Xác định từ loại của các từ in đậm trong đoạn văn sau:

“Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh… Thấy vậy hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận. Họ hội binh lính cả mười tám nước kéo sang đánh. Thạch Sanh xin nhà vua đừng động binh. Chàng một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ mười tám nước bủn rủn tay chân… Cuối cùng các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Cả mấy vạn tướng lĩnh, quân sĩ thấy Thạch Sanh chỉ cho dọn ra vẻn vẹn có một niêu cơm tí xíu, bĩu môi, không muốn cầm đũa. Biết ý, Thạch Sanh đố họ ăn hết được niêu cơm và hứa sẽ trọng thưởng cho những ai ăn hết. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi, nhưng niêu cơm bé xíu cứ ăn hết lại đầy. Chúng cúi đầu lạy tạ vợ chồng Thạch Sanh rồi kéo nhau về nước…”

Đáp án:

Xác định từ loại của các từ in đậm trong đoạn văn

– công chúa: danh từ.

– từ hôn: động từ.

– tí xíu: tính từ.

– kia: chỉ từ.

Bài 4: Tìm các tính từ có trong đoạn văn sau:

Ðộ ấy, chàng dậy sớm cũng như mọi người, khỏe mạnh và tỉnh táo như mọi người. Chàng lấy thau múc nước trong bể ra rửa mặt, nước mưa lạnh thấm mát vào da. Buổi sớm bấy giờ chàng thích lắm. Chàng ưa nhìn trời cao và trong xanh, những lá cây ngoài vườn tươi và mướt với một vẻ riêng, hình như chúng cũng mới tỉnh dậy như người. Qua giậu thưa, thấp thoáng những người đi chợ sớm, tiếng cười nói vang lần với tiếng đòn gánh kĩu kịt vì những bì gạo nặng.

Đáp án

Các tính từ: khỏe mạnh, tỉnh táo, lạnh, mát, cao, trong xanh, tươi, mướt, sớm, nặng 

Bài 5: Em hãy tìm các tính từ thích hợp để điền vào chỗ trống:

a. Đất nước Việt Nam ta suốt bao nhiêu năm nay vẫn … vượt qua những cuộc chiến tranh gian khổ.

b. Bác Hai là người thợ xây … nhất vùng này.

c. Mùa xuân về, cây cối trở nên … hơn hắn, ai cũng mừng vui.

d. Dòng sông mùa lũ về trở nên …, khiến ai cũng phải dè chừng.

Đáp án

Gợi ý:

a. Đất nước Việt Nam ta suốt bao nhiêu năm nay vẫn kiên cường vượt qua những cuộc chiến tranh gian khổ.

b. Bác Hai là người thợ xây giỏi nhất vùng này.

c. Mùa xuân về, cây cối trở nên xanh tươi hơn hắn, ai cũng mừng vui.

d. Dòng sông mùa lũ về trở nên hung dữ, khiến ai cũng phải dè chừng.

Bài 6: Cho các từ sau:

xinh xắn, lấp lánh, dịu dàng, rung rinh, tươi tắn, rực rỡ

1. Các từ trên thuộc nhóm từ loại nào? Tìm thêm năm từ thuộc từ loại đó.

2. Chọn một từ trong các từ cho sẵn rồi đặt một câu ghép.

3. Phân tích cấu tạo câu vừa đặt.

Bài 7: Cho các tính từ sau:

xanh non, hiền lành, hung dữ, tím biếc, thon thả, tròn trịa, trắng trẻo, cao ráo, chăm chỉ

1. Tính từ chỉ màu sắc

2. Tính từ chỉ hình dáng

3. Tính từ chỉ phẩm chất

Bài 8: Tìm năm tính từ băt đầu bằng âm “l”. Chọn một trong các tính từ vừa tìm được rồi đặt câu.

Bài 9: Tìm các tính từ có trong đoạn văn sau:

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng.

Bài 10: Gạch dưới những tính từ dùng để chỉ tính chất của sự vật trong đoạn văn:

Từ trên trời nhìn xuống, phố xá Hà Nội nhỏ xinh như mô hình triển lãm. Những ô ruộng, những gò đống, bãi bờ với những mảng màu xanh, nâu, vàng, trắng và nhiều hình dạng khác nhau gợi những bức tranh giàu màu sắc.

https://toploigiai.vn/bai-tap-ve-tu-loai-lop-4-co-dap-an

0 Comments:

Đăng nhận xét

 
Top