tR

 

1. Khái niệm danh từ

Danh từ là những từ dùng để gọi tên các sự vật, hiện tượng hoặc khái niệm. Danh từ thường đóng vai trò làm chủ ngữ, tân ngữ hoặc tân ngữ cho loại động từ ở trong câu. Vì danh từ là một bộ phận của ngôn ngữ nên nó sẽ có những sự biến đổi không ngừng và phát triển hơn để đáp ứng được nhu cầu sử dụng của con người trong việc giao tiếp, ghi chép.

>> Xem thêm: Danh từ là gì? Cụm danh từ là gì? Cho ví dụ về danh từ

 

2. Danh từ riêng là gì? Danh từ chung là gì?

Trong tiếng Việt, danh từ được phân loại thành danh từ chung và danh từ riêng.

 

2.1. Danh từ riêng là gì?

Danh từ riêng là những danh từ dùng để chỉ tên riêng của sự vật như tên người, tên địa phương, tên địa danh...

Ví dụ:

- Tên người: Nam, Ngọc, Alex, Linh, Giang,...

- Tên địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hoà Bình, Thành phố Hồ Chí Minh...

- Tên địa danh: chùa Một Cột, hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long, sông Hương...

Với các danh từ riêng chỉ tên người, tên địa phương, tên địa danh... cần phải viết theo nguyên tắc viết hoa, cụ thể:

- Viết hoa tất cả các chữ cái đầu tiên của danh từ riêng và không sử dụng dấu gạch nối với các danh từ riêng mang tính thuần Việt và từ Hán Việt.

- Với danh từ riêng mượn từ ngôn ngữ nước ngoài thường sẽ được phiên âm một cách trực tiếp hoặc phiên âm ra tiếng Việt và sử dụng dấu gạch nối giữa các tiếng với nhau.

 

2.2. Danh từ chung là gì?

Danh từ chung là danh từ dùng để chỉ sự vật mà ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan (sông, núi, hồ, sách, áo...)

Danh từ chung được phân loại thành các loại nhỏ hơn như sau:

- Danh từ chỉ hiện tượng: hiện tượng là những điều xảy ra trong không gian, thời gian mà con người nhận thấy được. Ví dụ các hiệu tượng tự nhiên như: mưa, nắng, sấm chớp,... hay hiện tượng xã hội như: nghèo đói, áp bức, chiến tranh... Những danh từ chỉ hiện tượng chính là các danh từ biểu thị hiện tượng tự nhiên (ánh nắng, cơn mưa...) và hiện tượng xã hội (sự áp bức, cuộc chiến tranh...)

- Danh từ chỉ khái niệm: đây chính là loại danh từ có ý nghĩa trừu tượng (danh từ chỉ sự vật mà ta không cảm nhận được bằng các giác quan). Những danh từ này không chỉ vật thể, chất liệu hay đơn vị sự vật cụ thể mà biểu thị các khái niệm như: tính nết, quan hệ, ý thức, mục đích, tình yêu, tình bạn, biện pháp... Những khái niệm này chỉ tồn tại trong nhận thức, trong ý thức của con người mà không thể cụ thể hoá thành sự vật nhìn được, sờ được. Nói một cách dễ hiểu, đây là những khái niệm không có hình dạng, không cảm nhận được trực tiếp bằng các giác quan của cơ thể.

- Danh từ chỉ đơn vị: danh từ chỉ đơn vị là những từ chỉ đơn vị các sự vật. Căn cứ theo đặc trưng ngữ nghĩa, phạm vi sử dụng thì có thể chia thành các loại như sau:

+ Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên: đây là những danh từ chỉ rõ loại sự vật hay còn được gọi là danh từ chỉ loại.

Ví dụ: con, cái, chiếc, miếng, ngôi, tấm, bức, hạt, hòn...

+ Danh từ chỉ đơn vị chính xác: các danh từ này dùng để tính, đong đếm các sự vật, vật liệu, chất liệu... Đây thường là các danh từ được các nhà khoa học quy ước hoặc do dân gian đã quy ước.

Ví dụ: lạng, cân, tạ, thước, mét, gang, tấn.....

+ Danh từ chỉ đơn vị ước chừng: đây là những danh từ dùng để tính đếm các sự vật tồn tại dưới dạng tập thể, tổ hợp.

Ví dụ: đôi, cặp, đàn, bó, nhóm,....

+ Danh từ chỉ đơn vị thời gian: là những danh từ chỉ về thời gian như giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, quý, mùa....

+ Danh từ chỉ đơn vị hành chính, tổ chức như: thôn, tổ, huyện, xóm, lớp, tiểu đội....

>> Xem thêm: Danh từ riêng là gì? Danh từ chung là gì? Ví dụ danh từ riêng

 

3. Cụm danh từ là gì?

Cụm danh từ là một nhóm của các danh từ đi với nhau để tạo thành một danh từ chung. Cụm danh từ thường sử dụng để chỉ người, sự vật, hiện tượng nhưng được thêm các từ chỉ số lượng hoặc những từ như này, ấy, đó... Khi mỗi danh từ đứng riêng sẽ mang một ý nghĩa khác nhau và khi ghép lại cạnh nhau chúng sẽ tạo nên một ý nghĩa mới. Cụm danh từ thường có cấu trúc như sau: Phần phụ trước - danh từ chính - phần phụ sau. Cụ thể:

- Phần phụ trước: phần phụ trước thường bao gồm các danh từ loại như: cái, con, chiếc, tấm... hay các danh từ chỉ đơn vị đo lường như: lít, cân, thước... Ngoài ra, phần phụ trước cũng có thể bao gồm các định tố có chức năng biểu thị ý nghĩa của số lượng như: những, mọi, từng, mỗi... hay các từ chỉ số lượng, tổng lượng.

Ví dụ: con cọp, một lít sữa, những con voi, vài chiếc lá, năm con mèo, tất cả chúng ta,...

- Phần phụ sau: phần phụ sau thường gồm:

+ Định tố đứng ngay sau danh từ trung tâm hoặc để bổ sung ý nghĩa cho danh từ chính. Định tố này có thể là tính từ, động từ hoặc danh từ.

Ví dụ: "Những sinh viên chăm chỉ" - chăm chỉ ở đây là tính từ để bổ sung tính chất cho sinh viên. Cả cụm "những sinh viên chăm chỉ" lại là một cụm danh từ để hướng đến một đối tượng cụ thể

+ Danh từ bổ sung ý nghĩa cho danh từ chính. Ví dụ: con sông quê hương - danh từ quê hương bổ sung ý nghĩa cho "sông" để chỉ đối tượng đó là con sông ở quê chứ không phải sông ở bất cứ nơi nào khác

+ Các từ biểu hiện hoặc chỉ định về không gian thời gian như đó, nọ, ấy... Ví dụ: Năm đó, một ngày nọ...

 

4. Chức năng chính của danh từ 

Các danh từ cơ bản thường được sử dụng với các mục đích như sau:

+ Danh từ có thể kết hợp với các từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ chỉ định ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ. 

+ Danh từ có thể làm chủ ngữ hoặc vị ngữ trong câu hoặc tân ngữ cho ngoại động từ.

 

5. Một số bài tập về danh từ riêng và danh từ chung

Bài 1: Tìm các danh từ chung và danh từ riêng trong đoạn văn sau:
Chúng tôi đứng trên núi Chung. Nhìn sang trái là dòng sông Lam uốn khúc theo dãy núi Thiên Nhẫn. Mặt sông hắt ánh nắng chiếu thành một đường quanh co trắng xoá. Nhìn sang phải là dãy núi Trác nối liền với dãy núi Đại Huệ xa xa. Trước mặt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà Bác Hồ.

Đáp án:

Các danh từ chung và danh từ riêng trong đoạn văn trên đó là:

- Danh từ chung: núi, dòng sông, dãy, mặt sông, ánh nắng, đường, dãy núi, chúng tôi, nhà

- Danh từ riêng: núi Chung, sông Lam, núi Thiên Nhẫn, núi Trác, núi Đại Huệ, Bác Hồ

Bài 2: Cách dùng các danh từ riêng chỉ người dưới đây có ý nghĩa gì?

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường.

Nhớ Người những sớm tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người.

Đáp án:

Các danh từ riêng chỉ người được sử dụng trong đoạn thơ trên đó là: Bác, Người, Ông Cụ. Việc sử dụng các danh từ riêng này để gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự thành kính, tôn trọng với Bác nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc.

Bài 3: Tìm các danh từ có tiếng con, bao gồm các danh từ chỉ người, chỉ con vật và chỉ sự vật.

Đáp án:

- Danh từ chỉ người có tiếng con: con dâu, con gái, con rể, con nuôi, con đẻ...

- Danh từ chỉ con vật có tiếng con: con gà, con bò, con lợn, con cá, chó con, con cọp...

- Danh từ chỉ sự vật có tiếng con: con thuyền, con tàu, con mắt...

0 Comments:

Đăng nhận xét

 
Top