tR

SGK Tiếng việt 4 HK2
Bài 1 Cuộc phiêu lưu của bồ công anh

 

KHỞI ĐỘNG

Câu 1: Chia sẻ cảm xúc về âm thanh, hình ảnh, màu sắc có trong đoạn lời bài hát sau:

“Trời cao trong xanh sương sớm long lanh mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh.

Bầy chim non hát ca vang đàn bướm lượn bướm tung tăng lượn.

Theo bước chân đi tới trường...

Ca ngợi Tổ quốc — Nhạc và lời: Hoàng Vân

Tiếng chim hót, bầu trời trong xanh, sương sớm long lanh, mặt nước xanh xanh gợi cảm giác tươi mát, vui vẻ về buổi sáng tới trường của các bạn học sinh.

KHÁM PHÁ VÀ LUYỆN TẬP

Bài đọc: Cuộc phiêu lưu của bồ công anh

            (SGK Tiếng Việt 4 tập 2 chân trời bài 1)

 Cuộc phiêu lưu của bồ công anh

Một cơn gió ào tới, thổi tung những cánh hoa bồ công anh bay xao xác.

- Tạm biệt mẹ! – Những cánh hoa bồ công anh vẫy đôi tay bé xíu. – Chúng con đi đây!

Chúng bây bay trên cánh đồng. Rồi mỗi cánh hoa đều tìm thấy một nơi để dừng chân. Riêng cánh hoa bồ công anh út vẫn mải lang thang cùng chị gió. Có khi bồ công anh út bay tung lên cao. Có khi nó sà xuống mặt ao soi mình dưới nước. Nó nhẩn nha bay trên cánh đồng, ngắm nhìn muôn loài hoa đang khoe sắc. Thoảng đâu đó, bỗng có tiếng mẹ dịu dàng: “Cẩn thận nha út…”. Bồ công anh thì thầm: “Đừng lo, mẹ ơi!”.

Bồ công anh tiếp tục bay. Và kìa, trước mắt nó là cánh đồng thênh thang, nơi những bông hoa cỏ mật tỏa hương ngào ngạt, nơi những bông hoa vàng li ti trải thảm đón chào, nơi những chú dế gảy lên khúc ca đồng quê rộn rã,…Bồ công anh muốn hét vang lên: “Con đã tìm thấy một nơi cho riêng mình, mẹ ơi, các anh chị ơi!”

Bồ công anh út đáp xuống mặt đất ấm áp và đầy hương thơm. Những chú dế tưng bừng gảy lên khúc ca hiếu khách. Và những đóa hoa đủ màu khẽ nghiêng mình để chắt lấy từng giọt sương đêm còn đọng trên cánh, dành riêng cho bồ công anh. Từng giọt sương trong vắt, mát lạnh và ngọt lành thấm vào thân mình bồ công anh.

Bồ công anh bé nhỏ kẽ rùng mình…Kìa, lớp áo dày của nó nứt ra và một chiếc mầm bé xíu nẩy lên, xanh nõn…

Câu hỏi 1: Những cánh hoa bồ công anh làm gì khi một cơn gió thổi ào tới?

Những cánh hoa bồ công anh vẫy tay chào tạm biệt mẹ và bay lên theo cơn gió.

Câu hỏi 2: Kể tóm tắt cuộc phiêu lưu của bồ công anh út



Sau khi chào tạm biệt mẹ, bồ công anh út vẫn mải lang thang cùng chị gió. Nó bay lúc thì tung lên cao, lúc thì sà xuống mặt nước. Cho tới khi nó nhìn thấy một cánh đồng thênh thang tràn ngập sức sống, nó đáp xuống và nẩy lên một chiếc mầm bé xíu, xanh nõn.

Câu hỏi 3: Những hình ảnh nào cho thấy nơi bồ công anh út dừng lại rất thú vị?

Những bông hoa vàng trải li ti thảm đón chào, những chú dế gảy lên khúc ca đồng quê rộn rã, mặt đất ấm áp và đầy hương thơm, những chú dế gảy lên khúc ca hiếu khách, những đóa hoa đủ màu, giọt sương trong vắt, mát lạnh và ngọt lành.

Câu hỏi 4: Đoạn cuối của bài đọc cho ta biết điều gì?

Đoạn cuối của bài đọc cho ta thấy bồ công anh út đã mọc mầm để chuẩn bị trở thành cây hoa bồ công anh mới.

Câu hỏi 5: Theo em, nhờ đâu mà thế giới của loài vật, hoa lá, cỏ cây,... trong câu chuyện trở nên sinh động?

Nhờ phép nhân hóa cùng với sự miêu tả vô cùng sinh động của tác giả.

Luyện từ và câu

Câu hỏi 1: Sắp xếp các từ ngữ trong mỗi dòng dưới đây thành câu và chép lại cho đúng:

 a. Mùa xuân đã về.

b. Cây cối khoác áo mới.

c. Bầu trời cao và trong xanh.

Câu hỏi 2: Đoạn văn dưới đây có mấy câu? Nhờ đâu mà em biết?

Cây bách xanh đẹp nhất mỗi độ đông về. Những vòm cây trong vườn đều đã nhuộm màu già nua cẳn cỗi. Chỉ có cây bách xanh vẫn mạnh mẽ vươn lên, thản nhiên chẳng sợ chi mưa gió. Những tán tròn vẫn xanh um mướt mát. Những đọt non của lá cây bách màu xanh nõn như muốn uống trọn cả những tia nắng nhẹ của mùa đông, ẩn lên màu sức sống đẹp ngơ ngẩn.

Theo Võ Thu Hương

Đoạn văn có 5 câu. Nhờ vào chữ viết hoa ở đầu câu và dấu chấm ở cuối mỗi câu.

Câu hỏi 3: Tìm từ ngữ phù hợp thay cho...trong mỗi dòng sau để tạo thành câu:

a. ...là loài hoa em thích nhất.

b. ...sáng lấp lánh trên bầu trời đêm.

c. ...tham gia Tết trồng cây.

d. Người gần gũi với em nhất...

e. Chùm hoa phượng...

g. Những chú voi...

a. Bồ công anh là loài hoa em thích nhất. b. Những ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời đêm. c. Người dân tham gia Tết trồng cây. d. Người gần gũi với em nhất là mẹ của em. e. Chùm hoa phượng đỏ tươi. g. Những chú voi rất dễ thương.

Câu hỏi 4: Đặt 1-2 câu:

a. Giới thiệu loài hoa em thích.

b. Tả đặc điểm nổi bật của loài hoa.

c. Nêu việc làm hoặc tình cảm, cảm xúc của em với loài hoa đó.

 a. Hoa sen là loài hoa mà em rất thích.

b. Hoa sen thường mọc trong những đầm lầy.

c. Mỗi mùa sen nở, em thường ra đầm hái hoa sen. 

Viết

Bài văn miêu tả cây cối

Câu hỏi 1: Đọc bài văn và thực hiện yêu cầu:

Bài đọc: Hoa xanh

            (SGK Tiếng Việt 4 tập 2 chân trời bài 1)

  Hoa xanh

Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo

Tháng Ba, tháng Tư, mùa hạ còn mang nhiều hương vị của xuân. Vườn na dịu mát bóng xanh non.

Cây na mảnh dẻ, phóng khoáng. Lá không lớn, cành chẳng um tùm lắm, nhưng toàn thân nó toát ra không khí mát dịu, êm ả, khiến ta chìm ngợp giữa một điệu ru thấp thoáng mơ hồ.

Cây na ra hoa, thứ hoa đặc biệt mang màu xanh của lá non. Hoa lẫn trong lá cành, thả vào vườn hương thơm dịu ngọt, ấm cúng.

Từ màu hoa xanh ẩn náu đó, những quả na nhỏ bé, tròn vo, cứ mỗi ngày mỗi lớn. Quả na mở biết bao nhiêu là mắt để ngắm nhìn mảnh đất sinh trưởng, để thấy hết họ hàng, để nhận biết nắng từng chùm lấp lánh treo từ ngọn cây rọi xuống mặt đất.

Theo Phạm Đức

a. Xác định các đoạn văn và nội dung của từng đoạn.

b. Tác giả miêu tả những bộ phận nào của cây na?

c. Theo em, tác giả có thể viết thêm vào bài văn điều gì?

 a&b. 1) Từ đầu đến "xanh non" : Giới thiệu vườn na.

         2) Từ "Cây na mảnh dẻ" đến "thấp thoáng mơ hồ" : Miêu tả cây na và bóng mát của cây na.

         3) Từ "Cây na ra hoa" đến "ấm cúng" : Miêu tả hoa na.

         4) Từ "Từ  màu hoa xanh" đến hết: Miêu tả quả na.

c. Câu chuyện có liên quan,...

Câu hỏi 2: Trao đổi với bạn

a. Bài văn miêu tả cây cối thường gồm những phần nào?

b. Theo em, ngoài trình tự miêu tả như ở bài "Hoa xanh", còn có thể miêu tả theo trình tự nào khác?

c. Sau khi tả các bộ phận của cây, người ta có thể viết thêm điều gì?

 a. Bài văn miêu tả cây cối thường gồm 3 phần:

Mở bài: Giới thiệu chung về cây.

Thân bài: Tả từng bộ phận của cây hoặc tả từng thời kì phát triển của cây.

Kết bài: Bày tỏ tình cảm, cảm xúc,... hoặc liên hệ với người, vật,... có liên quan.

b. Ngoài trình tự miêu tả như ở bài "Hoa xanh", ta có thể miêu tả theo các giai đoạn phát triển của cây na từ khi còn là những cây na non, na đã phát triển, na nở hoa và kết trái.

c. Bày tỏ tình cảm, cảm xúc, những ấn tượng đặc biệt hoặc liên hệ với sự vật, sự việc có liên quan.

Câu hỏi 3: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi

Bài đọc: Lá bàng

            (SGK Tiếng Việt 4 tập 2 chân trời bài 1)

 Lá bàng

Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, lúc ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.

Đoàn Giỏi

a. Tác giả tả lá cây bàng theo trình tự nào?

b. Theo em, trình tự miêu tả ấy có phù hợp để tả lá cây bàng không? Vì sao?

 a. Tác giả tả lá cây bàng theo trình tự thời kỳ phát triển của lá bàng.

b. Trình tự miêu tả ấy phù hợp để tả lá cây bàng vì nó cho ta biết các giai đoạn phát triển của lá bàng: lá bàng mới nhú, lá bàng mọc dày, lá bàng ngả vàng, lá bàng rụng.

Vận dụng

            Đóng vai bồ công anh, những chú dế, hoa lá và giọt sương để chào hỏi, làm quen




0 Comments:

Đăng nhận xét

 
Top